Mạng xã hội Vkontakte (VK) đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
“Chúng tôi đã đạt được con số ấn tượng với 100 triệu người dùng hàng tháng và 50 triệu người dùng hàng ngày”, Vladimir Kiriyenko, tân CEO Vkontakte tự hào nói với các giám đốc điều hành và các quan chức tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg (SPIEF) vào tháng 6/2022.
VK hay VKontakte là mạng xã hội của người Nga có trụ sở chính tại thành phố St.Petersburg, Nga. Mạng xã hội này cũng hoạt động tương tự như các mạng xã hội khác, nơi mà mọi người cập nhật trạng thái, thông tin cũng như tham gia các cộng đồng trên mạng xã hội. Được ra đời vào ngày 10/10/2006, VK sinh ra như một trang mạng xã hội dành cho các sinh viên tại Nga.
Trước khi Kiriyenko nắm quyền, VK đã từng có mức tăng trưởng kém hơn đáng kể so với các đối thủ quốc tế. Kể từ cuối năm 2020, mức tăng trưởng doanh thu của công ty giảm mạnh kéo theo chỉ số nợ/EBITDA lên tới 2,5 trong năm 2022.
Tuy nhiên cho đến khi khủng hoảng giữa Nga và Ukraine nổ ra, hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Nga đã khiến cho nhiều công ty công nghệ tháo chạy. Không còn nhiều đối thủ, VK nghiễm nhiên được người dùng chào đón. Các lệnh cấm cũng giúp VK hưởng lợi, cùng với đó là sự hậu thuẫn không nhỏ từ chính phủ Nga.
VK dường như đang dồn toàn lực vào việc phát triển các nền tảng truyền thông mạng xã hội. Trái lại, Yandex, công ty đối thủ của VK tại Nga lại lựa chọn đầu tư vào các dịch vụ như gọi xe hay giao hàng bằng robot.
Kiriyenko tập trung vào việc củng cố hạ tầng cơ sở dịch vụ truyền thông của VK. Công ty đã có thể vận hành trơn tru trong bối cảnh lượng truy cập tăng lên 30%, VK cũng đã ra mắt tính năng gọi điện, nhắn tin hay chia sẻ video ngắn.
Phát triển nhờ “độc quyền” thị trường
VK có được sự phát triển như ngày hôm nay là do không có đối thủ cạnh tranh. Quyết định gán nhãn Meta của Nga với cáo buộc “tổ chức cực đoan” đã khiến mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới không thể sử dụng được tại Nga nếu không có VPN. Người dùng VK đã tăng hơn 4 triệu trong tháng kể từ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Có tới 80% người dùng Internet Nga hiện nay sử dụng VK. Với số lượng người dùng ngày càng tăng, VK đang nỗ lực đầu tư vào các tính năng mới. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi khi các công ty nước ngoài đang cố gắng giảm bớt tài sản Nga của họ để hạn chế rủi ro, nhờ đó VK đã mua lại một loạt các dịch vụ mới.
Gần đây, VK đã đạt được một thỏa thuận về việc mua lại bộ phận tin tức của Yandex, bao gồm nền tảng blog Yandex.Zen và công ty tổng hợp Yandex.News.
Một dịch vụ khác được đồn đoán sẽ lọt vào tầm ngắm của VK là nền tảng rạp chiếu phim trực tuyến ivi. Ivi là dịch vụ phát trực tuyến lớn nhất ở Nga tính theo số lượng người dùng và sẽ là một động lực lớn cho kế hoạch của VK nhằm thu hút người dùng mới.
Trong tương lai, chính phủ Nga có thể sẽ học theo mô hình WeChat của Trung Quốc, tích hợp các dịch vụ công cộng với các trang web hoặc ứng dụng được truy cập nhiều nhất – bao gồm cả VK.
Điều này có thể tăng thêm lưu lượng truy cập vào ứng dụng, tăng doanh thu cho VK. Một bản thử nghiệm của Bộ Phát triển Kỹ thuật số đang trong quy trình xác minh cho cổng trường học và bệnh viện, cho phép người dùng đăng nhập bằng VK.
Bên cạnh đó, một luật khác được thông qua vào tháng 6 sẽ buộc tất cả các cơ quan của nhà nước Nga phải tạo các trang trên mạng xã hội. Với sự hậu thuẫn từ chính phủ, VK là minh chứng cho nỗ lực xây dựng một “Internet có chủ quyền”, không phụ thuộc vào Big Tech.
Nguồn: Vietnamnet
Link: https://vietnamnet.vn/vang-bong-big-tech-vk-bat-ngo-tang-truong-vuot-bac-tai-nga-2039624.html