Một sai lầm phổ biến của người dùng các thiết bị thông minh là mua hàng theo tính năng của một thiết bị cụ thể mà chưa có sự tìm hiểu về nền tảng thiết bị đó sử dụng.
Nền tảng nhà thông minh là gì? Tại sao phải biết về nó trước khi mua thiết bị nhà thông minh?
Không có một định nghĩa chính xác trong từ điển về khái niệm này. Nhưng ta có thể hiểu nền tảng là cái mà một thiết bị kết nối tới. Nó cho phép chúng ta tương tác với thiết bị qua mạng hay cài đặt, khởi chạy những tính năng thông minh.
Vấn đề sẽ xảy đến nếu chúng ta mua 2 hoặc nhiều thiết bị thông minh sử dụng các nền tảng khác nhau mà không có nền tảng chung. Khi đó chúng ta sẽ phải cài nhiều ứng dụng điện thoại để tương tác với thiết bị. Tệ hơn nữa những tính năng thông minh liên kết giữa các thiết bị sẽ không thể cài đặt và sử dụng được.
Đến đây ta đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc lựa chọn nền tảng cho thiết bị nhà thông minh. Vậy có những nền tảng nào? Làm thế nào để lựa chọn?
Tam hùng nhà thông minh Apple, Google, Alexa
Nhắc đến nhà thông minh, đầu tiên chính là phải nhắc đến 3 ông lớn này, tại sao vậy?
Đầu tiên đó là sản phẩm của 3 gã khổng lồ công nghệ:
- Apple với Apple Homekit, trợ lý ảo Siri.
- Google với ứng dụng Google Home, trợ lý ảo Google Assistant.
- Amazon với loa và trợ lý ảo Alexa.
Điểm thứ hai ta thấy rằng 3 nền tảng này đều có một sản phẩm lõi là thiết bị loa thông minh. Cho phép tương tác với con người bằng giọng nói. Cả 3 sản phẩm đều rất thành công trong những phân khúc khác nhau.
Điểm thứ ba là 3 nền tảng này đều cho phép các nhà sản xuất khác tích hợp thiết bị của họ vào. Đó chính là thứ tạo nên một nền tảng mạnh: hệ sinh thái đa dạng các thiết bị.
Kết hợp điều 2 và điều 3, người dùng có thể ra lệnh cho toàn bộ ngôi nhà và nhận phản hồi bằng giọng nói. Nó mang lại cảm giác gần như ta có một người giúp việc có thể tùy ý sai bảo. Nó cũng mang đến hình dung rõ nét về nhà thông minh như ta thấy trong các phim viễn tưởng. Hay trong căn nhà của các tỷ phú công nghệ trước đây.
Điểm mạnh và yếu khác nhau của 3 nền tảng
Apple Homekit | Google Home | Amazon Alexa | |
Ưu điểm | – Điều khiển dễ dàng từ Iphone
– Giao diện đẹp, dễ sử dụng – Có thể sử dụng các thiết bị loa HomePod hoặc Apple TV làm bộ điều khiển trung tâm – Hệ sinh thái đa dạng và cao cấp của Apple |
– Điều khiển dễ dàng từ điện thoại Android
– Các thiết bị loa thông minh giá tốt hơn Apple – Hệ sinh thái đa dạng – Trợ lý ảo hỗ trợ nhiều ngôn ngữ (có tiếng Việt) |
– Sản phẩm loa thông minh khá thành công, mức giá dễ tiếp cận. |
Nhược điểm | – Trợ lý ảo không có tiếng Việt.
– Loa thông minh giá còn cao. |
Giao diện app chưa đẹp | – Không tích hợp sâu vào điện thoại người dùng.
– Chưa phổ biến ở Việt Nam |
Tuya – Nền tảng cho mọi nhà?
Tuya có lẽ là nền tảng rộng lớn nhất và gần nhất với nghĩa nền tảng.
Họ cung cấp gần như toàn bộ giải pháp cho IoT và nhà thông minh.
- Bạn muốn làm ứng dụng điện thoại quản lý thiết bị thông minh? Họ có ứng dụng mẫu tùy chỉnh và bộ SDK cho lập trình viên.
- Bạn muốn tích hợp với cloud để khai thác dữ liệu hoặc tạo nên những thứ thông minh? Họ có giải pháp API tích hợp Cloud.
- Sau cùng, cũng là mấu chốt, họ cung cấp module và giải pháp cho các nhà sản xuất thiết bị có thể dễ dàng tạo ra thiết bị thông minh của riêng mình.
- Bên cạnh đó, họ có nền tảng hỗ trợ thương mại và một vài dịch vụ khác.
Tóm lại thì Tuya cung cấp gần như toàn bộ các giải pháp cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực nhà thông minh.
Điều này tạo ra một hiểu lầm phổ biến của người dùng rằng Tuya là một hãng.
Nghe có vẻ như Tuya là một chìa khóa vạn năng cho nhà thông minh? Không phải vậy, nó cũng có những nhược điểm riêng:
- Máy chủ đặt tại Trung Quốc có thể gặp gián đoạn đường truyền và các nghi ngại về an toàn thông tin.
- Hệ sinh thái đa dạng thiết bị nhưng lại không được kiểm soát về chất lượng. Người dùng có thể dễ dàng mua phải những thiết bị kém chất lượng.
Xiaomi – Cần gì có đó
Ta biết đến Xiaomi là một nhà sản xuất điện thoại nhưng không phải vậy. Xiaomi có gần như mọi thứ ta cần trong gia đình từ những thứ nhỏ nhất đến những đồ gia dụng lớn.
Nhưng Xiaomi lại là một thái cực khác so với Tuya. Xiaomi không hỗ trợ mọi nhà sản xuất tham gia vào hệ sinh thái, họ hoàn toàn kiểm soát hệ sinh thái của mình. Điều đó có nghĩa mọi thiết bị mang thương hiệu Xiaomi được Xiaomi kiểm soát về chất lượng.
Đặc trưng của thương hiệu Xiaomi là Ngon – Bổ – Rẻ. Tuy vậy vì làm mọi thứ nên không phải thiết bị nào của Xiaomi cũng tốt, có thể nó chỉ ở mức chấp nhận được.
Một điểm nữa là các thiết bị của Xiaomi không được thiết kế cho người dùng Việt Nam, vậy nên ta cần cân nhắc một sản phẩm tốt trước tiên phải là một sản phẩm phù hợp.
LG ThinQ, Samsung Smartthings – Tham vọng của những gã khổng lồ gia dụng
Xét cho cùng thì trong mỗi gia đình ngày này có thể không có các thiết bị thông minh như bóng đèn thay đổi màu sắc hay cảm biến phát hiện người nhưng không thể không có các thiết bị gia dụng.
Việc tích hợp tính năng thông minh, kết nối IoT vào các thiết bị gia dụng không làm tăng quá nhiều giá thành sản phẩm nhưng có thể mang lại lợi thế cạnh tranh về công nghệ.
Các nhà sản xuất gia dụng như LG, Samsung nhìn thấy điều này. Với sự nhanh nhạy của mình, họ tích hợp kết nối wifi vào hầu hết các dòng sản phẩm đời mới như Điều hòa, Máy giặt, Tủ lạnh,…
Cách làm này tạo ra sự phổ biến nhanh chóng của thiết bị thông minh, mở ra tương lai có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ ngôi nhà.
Ở phía người dùng sẽ phải lựa chọn, nếu bạn mua máy giặt từ Samsung, tủ lạnh từ LG thì bạn sẽ phải sử dụng 2 ứng dụng điều khiển độc lập. Điều này thực sự phiền toái.
Các hãng nhà thông minh Việt đang ở đâu?
Người nước ngoài sẽ phải ngạc nhiên trước mức độ yêu công nghệ của người Việt. Bằng chứng là có rất nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực smarthome.
Tuy vậy hướng đi của các hãng là không giống nhau.
- Một số hãng sử dụng nền tảng Tuya tạo nên thương hiệu thiết bị riêng.
- Một số hãng sử dụng các nền tảng mở như Home Assistant. (đây là một nền tảng phần mềm cho dân kỹ thuật tự dựng hệ thống nên không phải là lựa chọn đối với người dùng phổ thông).
- Một số hãng tự xây dựng lại toàn bộ phần mềm và chỉ sử dụng cho thiết bị của mình. Điển hình như hãng nhà thông minh Makihome.
Mỗi lựa chọn đều có những ưu nhược điểm riêng. Ta sẽ không bàn ở đây. Tuy nhiên người dùng cần cân nhắc là độ uy tín của công ty cung cấp thiết bị và khả năng tích hợp các nền tảng như Apple Homekit hay Google Home.
Matter câu trả lời cho tương lai?
Quá nhiều nền tảng, thực sự hoang mang cho người dùng.
Có cách nào đơn giản hơn không? Liệu có thể mua một thiết bị thông minh mà không cần quan tâm đến nền tảng được sử dụng?
Đó là mong muốn chính đáng của người dùng. Các nhà sản xuất, các nền tảng đứng đầu cũng nhận ra nhu cầu đó từ lâu.
Đây là tiền đề để giới Smarthome ngồi lại và cho ra đời một thứ công nghệ gọi là Matter.
Ở góc độ người dùng, ta không cần quan tâm về các khái niệm kỹ thuật phức tạp hay cách thức hoạt động của Matter.
Điều ta cần biết là toàn bộ các nhà sản xuất, các ông lớn trong ngành đã cam kết tích hợp Matter và khi đó tất cả đều có thể nói một thứ ngôn ngữ chung.
Khi ta mua một thiết bị, ta chỉ cần biết nó có hỗ trợ Matter.
Với Matter ta có quyền kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng chấm dứt hoàn toàn sự phân mảnh của thị trường, mang lại lợi ích tối đa cho người dùng.
Khi đã có một hiểu biết nhất định, việc lựa chọn là ở phía bạn.